Phó Thủ tướng Chính phủ đã chính thức đồng ý triển khai dự án mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM – Long Thành theo quy trình khẩn cấp, với tổng mức đầu tư lên đến hơn 16.386 tỷ đồng. Đi kèm với sự cấp bách nhằm khởi công vào tháng 8/2025 là yêu cầu vô cùng khắt khe: phải lựa chọn được những nhà thầu thực sự có năng lực và uy tín, đồng thời cam kết về tiến độ và hiệu quả chi phí, nhằm đảm bảo chất lượng cho công trình hạ tầng huyết mạch kết nối TPHCM với sân bay Long Thành và cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu.
Yêu cầu khắt khe về năng lực nhà thầu
Theo thông báo từ Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng đã đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính và Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) về việc thực hiện dự án theo thủ tục đối với dự án khẩn cấp. Việc áp dụng quy trình này cho phép rút gọn một số bước trong quá trình lựa chọn tư vấn và nhà thầu, nhằm mục tiêu khởi công dự án đúng vào ngày 19.8.2025.
Tuy nhiên, sự cấp bách này không đồng nghĩa với việc nới lỏng các tiêu chí về chất lượng. Phó Thủ tướng đã chỉ đạo rõ ràng rằng, việc lựa chọn nhà tư vấn và nhà thầu phải dựa trên cơ sở khoa học kỹ thuật vững chắc, ưu tiên những đơn vị đã có kinh nghiệm, năng lực, uy tín, và đã thực hiện thành công những dự án, công trình tương tự với chất lượng tốt, thi công an toàn. Đặc biệt, quá trình triển khai phải được giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không để xảy ra sơ hở, tham nhũng, lợi ích nhóm, gây thất thoát hay thiệt hại tài sản của nhà nước.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính và VEC làm rõ lý do về sự cần thiết và tính khẩn cấp của dự án, dựa trên ý nghĩa về kinh tế, xã hội và chính trị. VEC, với vai trò là chủ đầu tư, phải có cam kết hoàn thành dự án đúng tiến độ, đồng thời đảm bảo giá thành tiết kiệm hơn so với các gói thầu tương tự đã được thực hiện thông qua đấu thầu trước đây, qua đó tiết kiệm cho ngân sách nhà nước.
Quy mô mở rộng đồng bộ lên đến 10 làn xe, kết nối trực tiếp Sân Bay Long Thành

Dự án mở rộng đoạn cao tốc TP.HCM – Long Thành, với chủ trương đầu tư đã được VEC phê duyệt vào ngày 31.5, có quy mô và phạm vi được xác định rõ ràng, hướng đến việc giải quyết triệt để tình trạng quá tải và đáp ứng nhuge cầu giao thông trong tương lai.
Phạm vi xây dựng của dự án kéo dài gần 22km, được chia thành các đoạn với quy mô mở rộng khác nhau:
- Điểm đầu: Tại Km4+000 (nút giao Vành đai 2), thuộc TP. Thủ Đức, TP.HCM.
- Điểm cuối: Tại Km25+920 (nút giao đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu), thuộc huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
- Đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao Vành đai 3 TP.HCM (Km4+000 – Km8+844,5): Sẽ được đầu tư mở rộng từ 4 làn xe hiện hữu lên 8 làn xe.
- Đoạn từ nút giao Vành đai 3 TP.HCM đến nút giao cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu (Km8+844,5 – Km25+920), không bao gồm cầu Long Thành: Sẽ được đầu tư mở rộng từ 4 làn xe lên đến 10 làn xe.
- Riêng đối với cầu Long Thành: Sẽ đầu tư xây dựng mới hoàn toàn một đơn nguyên cầu với quy mô 5 làn xe theo chiều từ TP.HCM đi Long Thành, nằm bên phải (phía hạ lưu) của cầu hiện hữu.
Toàn bộ dự án được xếp vào công trình cấp đặc biệt, với tiêu chuẩn kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc cấp 120, tương ứng tốc độ thiết kế 120km/h. Riêng đối với cầu Long Thành mới và cũ, vận tốc khai thác sẽ là 100km/h.
Nguồn vốn “khủng” và tiến độ cấp bách
Để thực hiện một dự án quy mô lớn như vậy, tổng mức đầu tư dự kiến lên đến hơn 16.386 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: Vốn ngân sách nhà nước (6.500 tỉ đồng), Vốn vay từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng (7.900 tỷ đồng), Vốn tự có của VEC (bao gồm cả lãi vay) gần 2.000 tỷ đồng.
Về tiến độ, dự án được xác định thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2025 đến năm 2027. Tuy nhiên, theo chỉ đạo quyết liệt của Phó Thủ tướng Chính phủ, dự án phải đạt mục tiêu cơ bản hoàn thành ngay trong năm 2026, cho thấy tính cấp bách và tầm quan trọng đặc biệt của công trình hạ tầng này trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của toàn vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.